Chuyện “hòa nhập xanh” của những bạn trẻ khuyết tật

Dù là làm việc tự nguyện, không lương hay là kế sinh nhai thì đối với nhiều người khuyết tật, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nguồn sống cho hiện tại và tương lai của cả cộng đồng.

Vì vậy, họ đã dành tâm sức, tinh thần sống xanh của mình âm thầm, lặng lẽ nhặt từng chiếc túi ni lông, vỏ lon, gom từng bao rác thải để những người xung quanh được hít thở nguồn khí sạch, môi trường trong lành.

Nhóm Hòa Nhập Xanh được thành lập vào đầu tháng 5/2019 với gần 20 bạn trẻ tâm huyết với môi trường tại Đà Nẵng

Nhóm Hòa Nhập Xanh được thành lập vào đầu tháng 5/2019 với gần 20 bạn trẻ tâm huyết với môi trường tại Đà Nẵng trong đó có nhiều người khuyết tật. Họ ở nhiều quận, huyện khác nhau, công việc khác nhau nhưng cứ đến chủ nhật hàng tuần lại lại có chung một điểm hẹn để làm công việc cả nhóm cùng quan tâm.

Và đây chính là ý tưởng của anh Mai Huỳnh Quốc Thống một chàng trai khuyết tật đầy nghị lực và cũng chính là trưởng nhóm Hòa Nhập Xanh. Anh tâm sự dù bản thân đã nung nấu ý định từ lâu nhưng cứ chần chừ mãi vì còn e ngại. Ngại gì? Ngại những lời của những người vô tâm nói.

Và thế là mãi đến giữa năm 2019, khi nhận được sự hưởng ứng của nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ, anh này mới mạnh dạn khởi xướng và từ đó viết nên câu chuyện “hòa nhập xanh”” của những bạn trẻ khuyết tật.

Anh Mai Huỳnh Quốc Thống cho biết: “Bản thân mình là người khuyết tật thì mình cũng mong muốn là có đóng góp cho cộng đồng đặc biệt là về môi trường. Năm 2019 mình đứng ra tổ chức nhóm Hòa nhập xanh toàn người khuyết tật. Khi mình nêu ra những ý tưởng đó thì mong muốn của mình là có thể giúp cho người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng, đóng góp một phần nho nhỏ thôi để có thể bảo vệ môi trường”.

Công việc chính của nhóm là nhặt chai nhựa, hộp xốp, ống hút, bao nylon nằm dọc các bờ kè, hay trên mặt nước cho vào bao đựng để thu gom

Chia sẻ về ý nghĩa cái tên “” Hòa nhập xanh”, anh Thống nói bởi người khuyết tật thường mặc cảm, thu mình và ngại giao tiếp với xung quanh nên với cái tên này chính là mong muốn của những người khuyết tật như anh, để đây sẽ trở thành nơi mà mọi người có thể hòa nhập, không còn khoảng cách với người bình thường và cùng hành động vì một môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Và chính bởi những suy nghĩ đó, đều đặn 7 giờ sáng chủ nhật hằng tuần, khi nhiều người vẫn đang say giấc, tất cả thành viên đã tập trung ra quân đi “đánh rác”.

Sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác ở hàng trăm mét bờ biển, công viên. Từ bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái đến âu thuyền Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà,… đều đã in hằn dấu chân họ. Rác sau khi nhặt được các bạn phân loại ngay tại chỗ và đưa về đúng nơi tập kết để mang đi xử lý.

Riêng những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa sẽ được thu gom bán gây quỹ, mua găng tay bảo hộ, mũ, dụng cụ gắp rác,… Từ khi thành lập đến nay, nhóm Hòa Nhập Xanh đã tổ chức và tham gia hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng ở Đà Nẵng.

Cũng là một người khuyết tật tham gia nhóm từ những ngày đầu, đều đặn cuối tuần chị Mỹ Trinh lại sắp xếp công việc để tham gia cùng nhóm: “Tôi muốn bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp thôi. Bởi vì hiện nay môi trường báo động rất là ô nhiễm. Chúng tôi cũng muốn hoạt động một chút gì đó để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống cho tất cả mọi người xung quanh chúng ta và bảo vệ trái đất xanh sạch đẹp”.

Những ngày đầu một số người dân nhìn theo những bước chân liêu xiêu của các thành viên trong nhóm với ánh mắt ái ngại. Lâu dần, từ lạ lẫm chuyển thành thân quen, ý thức của họ cũng dần thay đổi. Giờ đây, mỗi khi thấy nhóm Hòa Nhập Xanh xuất hiện nhiều người đi tập thể dục cũng tiện tay nhặt mấy chai nhựa, bao nilong vương vãi trên bãi biển cho vào bao rác bởi không lẽ lại để những người khuyết tật nhặt rác do người bình thường thải ra. Đó chỉ cần mỗi người có ý thức một chút thôi, bảo vệ môi trường đôi khi chỉ từ những hành động rất nhỏ như thế.

Sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác ở hàng trăm mét bờ biển, công viên

Sau mỗi buổi nhặt rác, nhóm thường tập trung tại công viên để chơi trò chơi và ca hát. Họ thật sự gắn kết, trở thành những người bạn, người anh em cùng chung tay, góp sức đưa Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường. Chính bởi vô vàn những điều ý nghĩa đó mà ngoài những thành viên là người khuyết tật, nhóm còn thu hút sự tham gia của những bạn trẻ bình thường và có tâm huyết vì môi trường.

Mặt trời càng lúc càng lên cao, nhiệt độ tăng… từng giọt mồ hôi thi nhau rơi, gương mặt ai cũng đỏ ửng nhưng không thể ngăn căn đôi chân các bạn tiến về phía trước. Sau hai giờ đồng hồ thu dọn, hơn chục bao tải với đủ loại rác thải được gom lại đợi nhân viên môi trường mang đi xử lý. Đỉnh cao của nắng nóng cũng là lúc bãi biển, bờ kè được trả lại vẻ sạch đẹp ban đầu.

0902.57.07.67