Hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa

Hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thu gom xử lý rác thải nhựa, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”.

Mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa tại huyện Phong Điền

Mới đây, Chi hội PN thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã ra mắt mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa. Với mong muốn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và mọi người dân trong việc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, phân loại rác tại hộ gia đình.

Giải quyết tại chổ rác thải sinh hoạt hữu cơ và không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có thể sử dụng rác đã phân hủy để làm phân bón trồng cây. Cũng như tạo nguồn quỹ từ việc tái sử dụng, tái chế chất thải chất thải để hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn.

“Ngôi nhà xanh” được thiết kế có chiều cao 1,7m; rộng 1,2m, bọc lưới xung quanh được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn đảm bảo phù hợp, gọn nhẹ, thuận tiện cho chị em phụ nữ sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt, vào ban ngày, lẫn ban đêm, chị em thu gom rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, giấy vụn, vỏ lon, chai nước ngọt, giấy bìa, chai nhựa, … thả vào “Ngôi nhà xanh”.

Mỗi “ngôi nhà xanh” sau khi hoàn thành đặt ngay điểm công cộng, nơi tập trung đông người qua lại, được Chi hội Phụ nữ thôn quản lý.

Tùy thuộc tình hình cụ thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi “Ngôi nhà xanh” đầy phế liệu, Chi/tổ phụ nữ tại thôn, phân loại mang đi bán, để gây quỹ giúp đỡ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với ý nghĩa đó, đã thu hút đông đảo chị em, người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa Nguyễn Thị Trâm chia sẻ, với mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải, hy vọng tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt; hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm túi thân thiện với môi trường.

Tận dụng tối đa chất thải hữu cơ phát sinh để tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp. Qua đó, gây quỹ  hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Tại huyện Quảng Điền, mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh” ở thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) được Hội Phụ nữ thôn triển khai, phát động thời gian qua. Theo đó, hố rác nào đầy sẽ được trồng trên đó một cây xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và hoàn cảnh từng hộ gia đình. Đó có thể là cây ăn quả, cây bóng mát, cảnh và cũng có thể là những vườn rau xanh. Đến nay, 100% hộ gia đình ở thôn đều tham gia thực hiện.

Tại thành phố Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đông Ba triển khai mô hình “Nuôi heo đất – tiết kiệm xanh”. Cụ thể, mỗi hộ gia đình sẽ thu gom các loại rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ tiết kiệm cho heo đất. Hội thi heo đất sẽ được tổ chức mỗi dịp cuối năm và sử dụng số tiền thu được hỗ trợ phụ nữ khó khăn khởi nghiệp. Cùng với đó, Hội LHPN phường Xuân Phú phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai mô hình thùng tích góp ve chai tạo quỹ nhân ái. Hội LHPN phường Vỹ Dạ với mô hình “Đổi phế liệu trao yêu thương” giúp đỡ phụ nữ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình “Đổi phế liệu trao yêu thương” giúp đỡ phụ nữ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Theo Hội LHPN tỉnh, thời gian qua, những cách làm sáng tạo, gần gũi, thiết thực đã được phụ nữ Thừa Thiên Huế thực hiện, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng xanh – sạch – sáng. Tính chung đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh xây dựng trên 260 mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm, giảm thải ra môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các cấp hội phụ nữ cũng đã tổ chức hàng trăm đợt ra quân, thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, xây dựng 542 tuyến đường do phụ nữ tự quản và 17 điểm sinh hoạt cộng đồng “xanh – sạch – sáng – thân thiện với môi trường”; duy trì có hiệu quả 251 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hiện, khắp các xã, phường ở Thừa Thiên Huế đang hình thành nhiều mô hình hay, như “Phụ nữ sống xanh”; Tổ tự quản “Phân loại rác thải, tích lũy ve chai tạo quỹ nhân ái”; “Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm xanh”; “Tổ phụ nữ tự quản xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, tất cả đều đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân.

Phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần” và “Chống rác thải nhựa” đã được các cấp hội lồng ghép tuyên truyền trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, cộng đồng.

Duy trì và phát triển mô hình, Hội LHPN tỉnh thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với khả năng của phụ nữ, giúp các chị tạo sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ thiết thực đời sống và tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó góp phần thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ, chi, tổ, hội phụ nữ, bằng nhiều hình thức.

Các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; kỹ năng vận động và hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình cho hàng ngàn cán bộ chi, tổ, hội viên nòng cốt, đoàn thể khu dân cư, hội viên phụ nữ.

Có thể thấy rằng, với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân. Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

0902.57.07.67